Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Thánh Phaolô - Saint Paul - Tông Đồ Dân Ngoại

Biến Cố Damas  “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi lan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1, 15-16).   Bằng những từ ngữ mượn ở Cựu ước, Phaolô minh định  ơn gọi Tông đồ của mình giống các ngôn sứ xưa (cf. Gr 1,5; Is 49,1), nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh mới mẻ là tập trung vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Phaolô quả quyết mình nhận được mạc khải về những khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã dấu kín từ muôn thuở (1Cr 2, 7-10). Thiên Chúa tỏ cho biết về Đức Giêsu (Gl 1,12) khác với điều ông biết trước đây, nhờ vào cảm nghiệm gặp gỡ qua biến cố Damas. Phaolô khẳng định ông đã thấy Đức Giêsu (1Cr 9,1 và  2Cr 4,6). Phaolô khẳng quyết nếu mình là Tông Đồ, ấy là vì  đã thấy Đức Giêsu (x. 20,18.25). Thánh Phaolô áp dụng cho chính mình công thức truyền thống về việc thấy Đấng Phục sinh hiện ra và tự liệt mình vào sổ những chứng nhân đã được thấy Chúa: “Người đã hiện ra với ông Kepha, rồi với Nhóm 12. Sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 5-8). Ta gặp thấy ở đây động từ “opthè” gặp thấy trong Lc 24, 34; Cv 9,17; 13,31; 26,16. Như thế, Phaolô tuyên bố mình là chứng nhân đích thực của Đức Kitô phục sinh, đồng hàng với các chứng nhân tiên khởi qua kinh nghiệm gặp gỡ ấy. Chắc chắn khi nói mình thấy Đức Giêsu hiện ra, Phaolô không muốn diễn tả một sự kiện, nhưng chủ đích là muốn nói lên biến cố quyết định ơn gọi và sứ mệnh Tông đồ của mình vì thấy Đức Giêsu (Gl 1,16).  Hiểu sao về cuộc trở lại? Phaolô không ngừng tin vào một Thiên Chúa và phục vụ Người hết lòng. Ngài trở lại có nghĩa là “đức tin kitô giáo hoàn tất niềm tin Do Thái giáo của Ngài, đó là niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại để ban cứu độ cho nhân loại. Sự trở lại biến Phaolô thành người tông đồ nhiệt tình rao giảng về Đấng đã chết và sống lại: đó là lẽ sống của Ngài.Công vụ thuật lại biến cố Damas : “Saolô tới gặp thượng tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damas, để nếu thấy những người theo Đạo thì bắt giải về Giêrusalem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Damas, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sángtừ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông…” (Cv 9,1-3). Đoạn văn muốn trình bày Phaolô trước đây là người bách hại Đạo, nhưng sau biến cố Damas đã trở thành dụng cụ của Tin mừng Đức Kitô: “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (9,15). Phaolô nhắc tới biến cố này trong  diễn từ trước đám đông Do Thái tại Giêrusalem (Cv 22,4-6), và lần khác trước Agrippa (Cv 26,9-18).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét